6 dấu hiệu mang thai sớm mẹ bầu cần biết. Thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm là cách để chẩn đoán mang thai chính xác nhất. Tuy nhiên, bạn có thể biết bản thân có bầu sớm hơn dựa trên 1 số dấu hiệu mang thai của cơ thể như chậm kinh, ốm nghén. Hãy cùng cafesuckhoe tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Những dấu hiệu mang thai sớm xuất hiện trong những tuần thai đầu
Do không thể xác định chính xác ngày thụ thai nên tuổi thai được tính từ ngày bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt gần nhất. Vì thế, tuổi thai có thể chênh lệch nhiều giữa các mẹ bầu do ngày quan hệ và thụ thai là khác nhau.
Một số mẹ bầu có thể nhận biết mình có thai ngay ở những tuần đầu tiên thông qua các dấu hiệu sau:
1.1. Dấu hiệu ra máu báo thai
Ở một số người khi gần đến thời gian kinh nguyệt như chu kỳ bình thường có dấu hiệu đau tức bụng hay ra máu âm đạo bị nhầm tưởng sang máu kinh. Tuy nhiên, máu báo thai xuất hiện rất ít, chỉ làm hồng dịch âm đạo hoặc thay đổi màu sắc nhẹ trên quần nhỏ sáng màu. Trong khi đó, nếu là máu kinh thì sẽ ra ồ ạt với lượng nhiều.
Chính xác máu báo thai sẽ xuất hiện vào khoảng ngày thứ 10 – 14 sau khi trứng được thụ tinh, bạn có thể dựa vào thời gian này so với ngày quan hệ để kiểm tra. Nguyên nhân xuất hiện máu báo thai là do sau thụ tinh, phôi nang di chuyển vào tử cung và bám vào lớp nội mạc tử cung để làm tổ. Quá trình này làm niêm mạc tử cung bong nhẹ, khiến máu chảy ra ngoài âm đạo với một lượng nhỏ.
1.2. Trễ kinh – dấu hiệu thường dùng để xác định mang thai
Khi đã mang thai, trứng làm tổ trong tử cung nên bạn sẽ không thấy kinh nguyệt xuất hiện như chu kỳ bình thường, thay vào đó cơ thể sẽ sản sinh hormone hCG làm dày niêm mạc tử cung để nuôi dưỡng thai và duy trì thai kỳ.
Hầu hết chị em phụ nữ theo dõi, nghi ngờ và phát hiện mang thai chính xác dựa trên chu kỳ kinh nguyệt. Nếu ngày có kinh bị chậm, bạn có thể thử thai tại nhà để kiểm tra hormone hCG có trong nước tiểu. Nếu kết quả là dương tính, tốt nhất mẹ nên sớm đi khám y khoa để chẩn đoán chính xác mình có mang thai hay không và sức khỏe thai nhi.
1.3. Đau bụng âm ỉ cũng là dấu hiệu có thai sớm
Đau bụng âm ỉ có thể xuất hiện khi trứng sau khi được thụ tinh di chuyển vào phía tử cung làm tổ, ngoài ra sự thay đổi hormone cũng gây ảnh hưởng tới tiêu hóa. Thời điểm đau bụng dưới do mang thai thường xảy ra vào sau 6 – 12 ngày kể từ khi trứng được thụ tinh song ít chị em quan tâm.
Triệu chứng đau bụng do mang thai rất dễ nhầm lẫn với đau bụng do rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng đến chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy, mẹ vẫn nên theo dõi thêm các dấu hiệu khác để khẳng định bản thân có mang thai hay không.
1.4. Vùng ngực thay đổi
Dấu hiệu thụ thai sớm nhất ở hầu hết mọi người là dấu hiệu thay đổi rõ ràng ở vùng ngực. Nguyên nhân là sau khi trứng thụ tinh và làm tổ ở tử cung, cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi lớn, lượng máu đến bầu ngực tăng lên và lượng hormone cũng lớn hơn kích thích tới bộ phận này.
Nhiều phụ nữ mang thai cho biết, trong những tuần thai đầu, họ thường gặp tình trạng giống như ngực sưng lên, nặng hơn, căng tức khó chịu. Do ảnh hưởng của hormone mà vùng da xung quanh núm vú cũng trở nên đậm màu hơn bình thường. Triệu chứng này sẽ được cải thiện nếu bạn massage và mặc quần áo thoải mái hơn.
1.5. Thay đổi hormone khi mang thai ảnh hưởng đến tâm trạng
Cùng với các dấu hiệu mang thai trên, nếu bạn thấy tâm trạng bản thân thường xuyên thay đổi thất thường, khó kiểm soát thì có thể khẳng định chắc chắn hơn về khả năng mang thai. Giống như ở chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi hormone khiến chị em phụ nữ thường khó chịu, dễ nổi cáu hơn thì khi mang thai cũng vậy.
Để nuôi dưỡng thai, cơ thể sẽ sản xuất lượng estrogen và progesterone nhiều hơn, ảnh hưởng rất nhiều tới cảm xúc, khiến mẹ trở nên nhạy cảm hơn. Nhiều chị em thường xuyên gặp cảm giác khó chịu, chán nản hoặc hưng phấn thái quá.
1.6. Buồn nôn, ốm nghén
Buồn nôn, ốm nghén không phải là các dấu hiệu mang thai sớm ở những tuần đầu mà thường khi thai đã được từ trên 1 tháng tuổi. Tuy nhiên nhiều chị em lần đầu làm mẹ thường không chú ý đến dấu hiệu mang thai sớm nên chỉ phát hiện khi bản thân có các triệu chứng ốm nghén.
Các triệu chứng thai nghén có thể xảy ra bất cứ khi nào, cả ban ngày và ban đêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày của bạn. Thường các triệu chứng này sẽ hết sau khoảng 16 – 20 tuần thai kỳ.
2. Điều cần làm khi có các dấu hiệu có bầu
Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu có bầu như trên, điều cần làm là xác định chính xác mẹ có đang mang thai hay không. Cách kiểm tra nhanh mà nhiều mẹ yêu thích là sử dụng que thử thai, kiểm tra với mẫu nước tiểu dựa trên phản ứng với hormone hCG.
Nếu que test cho kết quả dương tính, hầu hết trường hợp mẹ đã mang thai. Tuy nhiên để khẳng định kết quả, mẹ nên đi khám để được làm xét nghiệm, siêu âm,… Ngoài ra, lần kiểm tra này các bác sĩ cũng sẽ đánh giá sức khỏe tổng quan của mẹ và bé, đưa ra các lời khuyên cần thiết để có được thai kỳ khỏe mạnh.
Để nuôi dưỡng thai khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý các vấn đề dinh dưỡng đầy đủ, giữ tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc gắng sức,… Ngoài ra, trang bị cho bản thân những kiến thức về mang thai và chăm sóc con sau sinh cũng rất quan trọng mà mẹ nên thực hiện.
Như vậy, dấu hiệu mang thai thường xuất hiện rõ ràng khi thai nhi từ 5 tuần tuổi trở đi. Dựa trên dấu hiệu mang thai, mẹ nên dùng que thử thai hoặc đi khám để xác định tình trạng mang thai chính xác và có sự chuẩn bị tốt nhất.